Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

bộ trưởng lđtbxh phạm thị hải chuyền đối thoại trực tuyến với nhân dân

1:38 PM, 03/04/2013
(Chinhphu.vn) - Tại cuộc đối thoại trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ vào lúc 9 giờ 30 sáng 5/4, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền sẽ trao đổi, giải đáp các vấn đề mà người dân, dư luận quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ LĐTBXH như việc làm, đào tạo dạy nghề, xuất khẩu lao động…

Cụ thể là các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động, chất lượng đào tạo của các trường nghề và trung tâm dạy nghề; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn… trong khuôn khổ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015.

Chương trình được Thủ tướng ban hành tháng 8/2012 với mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ người lao động qua đào tạo là 40%; nâng tỷ lệ người lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm lên 30%...

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng sẽ giải đáp các vấn đề liên quan đến phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động; nâng cao năng lực quản lý, chất lượng hoạt động xuất khẩu lao động, xử lý tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, nâng tuổi nghỉ hưu cho nữ giới… trong thời gian tới.

Cuộc đối thoại sẽ được truyền hình trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ, phát lại trên kênh VCTV 15, Truyền hình cáp Việt Nam. Bạn đọc tham gia đặt câu hỏi gửi về địa chỉ email doithoai@chinhphu.vn

Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

ký hợp đồng xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo

9:22 AM, 03/04/2013

(Chinhphu.vn) - Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong số 3,5 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu, có đến 90% là hợp đồng thương mại.  

Lượng gạo xuất khẩu tăng 12% so với cùng kỳ - Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 31/3/2013, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,45 triệu tấn gạo, trị giá FOB gần 641,4 triệu USD và trị giá CIF gần 665 triệu USD.

Trong số này, kết quả giao hàng từ ngày 1/3 đến ngày 31/3 đạt gần 706.500 tấn, trị giá FOB hơn 310,4 triệu USD và trị giá CIF hơn 327 triệu USD.

So với cùng kỳ năm trước, hợp đồng đã ký tăng hơn 22%. Còn so về lượng đã xuất tăng hơn 12%. Như vậy, mặc dù kinh tế gặp khó khăn, nhưng việc ký hợp đồng và lượng gạo xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ.

Từ tháng 4 trở đi, số lượng gạo xuất khẩu sẽ tăng nhanh hơn để bù đắp lại xuất khẩu trong quý I thấp hơn kế hoạch đề ra.

Cũng theo VFA, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.200 -5.300đ/kg, lúa dài khoảng 5.400 - 5.500đ/kg.

Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.800 - 6.900đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.650 - 6.750đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.900 - 8.000đ/kg, gạo 15% tấm 7.550 - 7.650đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.250 – 7.350đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

Công Trí

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của 7 tỉnh, thành phố

2:30 PM, 02/04/2013
(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) 7 tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Thuận và Bình Định.

Ảnh minh họa

Với tỉnh Phú Thọ, theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 353.342 ha. Trong đó có 274.562 ha đất nông nghiệp và 72.238 ha đất phi nông nghiệp. Cũng theo Quy hoạch, trong thời kỳ 2011 – 2020, tỉnh Phú Thọ sẽ chuyển khoảng 18.302 ha đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc, trong 123.650 ha tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh có 30.695 ha đất trồng lúa; 15.357 ha đất rừng đặc dụng; 6.720 ha đất rừng sản xuất; 48.827 ha đất phi nông nghiệp…

Với 157.004 ha diện tích đất tự nhiên, đến năm 2020 tỉnh Thái Bình sẽ có khoảng 96.052 ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa chiếm tới 79,24% diện tích đất nông nghiệp, tương đương 76.110 ha; 17.520 ha là đất nuôi trồng thủy sản, chiếm 18,24% diện tích đất nông nghiệp. Cả thời kỳ 2011 - 2020, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất  phi nông nghiệp là 12.860 ha.

Đối với tỉnh Hải Dương, Nghị quyết quy hoạch đến năm 2020 có 93.565 ha đất nông nghiệp, trong đó 56.000 ha đất trồng lúa. Diện tích đất phi nông nghiệp là 71.744 ha,…

Theo Nghị quyết quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) thành phố Hải Phòng thì đến năm 2020 thành phố có 69.839 ha đất nông nghiệp và 82.249 ha đất phi nông nghiệp. Trong cơ cấu đất phi nông nghiệp thì đất phát triển hạ tầng chiếm tỷ lệ lớn nhất với 32,04%, tương đương 20.785 ha; sau đó là đất ở tại đô thị chiếm 8,61%, tương đương 5.583 ha.

Với tỉnh Ninh Thuận, trong tổng số 335.833 ha diện tích tự nhiên, Nghị quyết quy hoạch đến năm 2020 có 281.727 ha đất nông nghiệp, chiếm tới 83,89% diện tích đất toàn tỉnh. Trong đó có 18.633 ha đất trồng lúa; 115.700 ha đất rừng phòng hộ; 39.910 ha đất rừng sản xuất; 3.900 ha đất làm muối.

Còn theo quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Định thì đến năm 2020, tỉnh này có 51.002 ha đất trồng lúa; 30.610 ha đất trồng cây lâu năm; 160.323 ha đất rừng sản xuất và 192.910 ha đất rừng phòng hộ. Diện tích đất phi nông nghiệp của tỉnh là 90.127 ha.

 Hoàng Diên

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời cuối phiên

7:06 PM, 02/04/2013
(Chinhphu.vn) – Những tín hiệu tích cực đã có từ phiên giao dịch hôm qua vẫn tiếp tục được duy trì trong phiên hôm nay (2/4). Tuy nhiên, dần về cuối phiên, một số nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán ra cổ phiếu để chốt lời làm cho VN-Index phải thu hẹp đà tăng điểm.

Kết thúc phiên, VN-Index dừng lại ở mức điểm 509,43; tăng 3,62 điểm (0,72%). Tổng khối lượng cổ phiếu được trao đổi đạt 70,26 triệu đơn vị tương ứng với giá trị 1.460,43 tỷ đồng. Số mã tăng giá, giảm giá và đứng giá tham chiếu lần lượt là 123, 97 và 72.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tại 61,09 điểm; giảm 0,42 điểm (0,68%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,5 triệu đơn vị tương đương với giá trị 418,16 tỷ đồng. Số cổ phiếu tăng giá, giảm giá và đứng giá tham chiếu tương ứng là 94, 121 và 183.

Thay đổi lớn nhất trong phiên hôm nay nằm ở vấn đề thanh khoản. Theo ý kiến phân tích của một số chuyên gia, có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng khối lượng giao dịch được tăng lên. Cụ thể, ở phiên giao dịch buổi sáng, nhà đầu tư giao dịch mạnh hơn là do tâm lý sợ 'nhỡ sóng'. Chính vì vậy họ quyết định giải ngân ngay để đề phòng đến phiên chiều giá cổ phiếu sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Còn trong phiên chiều, hành động chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư đã tạo nên áp lực bán làm cho giá khớp lệnh của nhiều cổ phiếu không còn được cao như phiên sáng. Và trong điều kiện thị trường chưa thực sự đủ mạnh như hiện tại thì tâm lý nhà đầu tư thường rất dễ bị dao động. Do đó một số người dù có mức lợi nhuận chưa cao và thậm chí là hòa vốn cũng quyết định bán ra để giảm tỷ trọng cổ phiếu trên tài khoản.

Đáng chú ý trên sàn TPHCM hôm nay, khối ngoại đã có một phiên mua ròng với khối lượng đạt mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây. Tổng cộng khối này mua ròng gần 7 triệu đơn vị trên HoSE, tương ứng với giá trị 219,63 tỷ đồng. Không được mạnh mẽ như sàn TPHCM nhưng khối lượng mua ròng tại sàn Hà Nội cũng ở mức khá cao so với trung bình các phiên trước đó (841.000 đơn vị). Mục tiêu lựa chọn của khối này tiếp tục là các cổ phiếu nằm trong nhóm Blue-chips như CTG, MSN, GAS, DBC, VCG và PVS.

Tâm điểm thị trường phiên hôm nay chính là giao dịch của cổ phiếu CTG với giá tăng ngay từ đầu phiên và sau đó giá khớp lệnh liên tục được đẩy lên những mức cao hơn. Thời điểm 13h06' CTG đã chính thức chinh phục thành công mức giá trần (20.400 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên về sau, khi áp lực bán dần tăng thì lực cầu của cổ phiếu này cũng hạ nhiệt. Thị trường đóng cửa, CTG dừng lại ở mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu.

Đặc biệt tổng khối lượng giao dịch của CTG ở mức rất cao khi có tới trên 7,46 triệu đơn vị được trao tay (trong đó khối ngoại mua vào là hơn 2,26 triệu). Theo thống kê sơ bộ thì tính riêng trong năm nay, khối lượng khớp lệnh như vậy chỉ thua mức thanh khoản trong phiên lịch sử ngày 15/3 (trên 17,3 triệu đơn vị).

Hà Nguyễn

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

quy định mới về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường

10:15 AM, 02/04/2013
(Chinhphu.vn) - Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường có thời hạn hiệu lực là 36 tháng kể từ ngày cấp và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn không quá 36 tháng.

Ảnh minh họa
Đây là nội dung tại Nghị định quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường vừa được Chính phủ ban hành.

Cũng theo Nghị định, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực quan trắc tại hiện trường phải có đủ 3 điều kiện.

Thứ nhất, tổ chức đó phải có Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp trong đó có hoạt động quan trắc môi trường.

Thứ hai, phải có đủ điều kiện về nhân lực thực hiện hoạt động quan trắc hiện trường theo quy định như người đứng đầu của tổ chức phải có trình độ từ đại học trở lên. Bên cạnh đó, phải có người trực tiếp phụ trách đội quan trắc tại hiện trường phải có trình độ đại học trở lên với một trong các chuyên ngành về môi trường, hóa học, sinh học, lâm nghiệp, thổ nhưỡng, vật lý hạt nhân, phóng xạ, địa lý, địa chất và có tối thiểu 24 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực quan trắc môi trường...

Thứ ba, tổ chức đó phải có đủ điều kiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường theo quy định như: có các trang thiết bị, dụng cụ và hóa chất đủ để thực hiện việc lấy mẫu, bảo quản mẫu và đo, thử nghiệm và phân tích tại hiện trường các thành phần môi trường...

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực phân tích môi trường.

3 trường hợp thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quan trắc môi trường

Nghị định cũng quy định Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường bị thu hồi, hủy bỏ trong 3 trường hợp: 1- Tổ chức bị cấm hoạt động, bị tuyên bố phá sản, bị giải thể, chia, tách; 2- Tổ chức không còn đáp ứng đủ một trong các điều kiện quy định; 3- Tổ chức không thực hiện đúng cam kết tuân thủ quy định kỹ thuật về quan trắc môi trường và không thực hiện, duy trì chương trình bảo đảm chất lượng trong quan trắc môi trường.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/6/2013.

Hoàng Diên

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

25 năm thu hút 211 tỷ usd vốn đầu tư nước ngoài

9:21 AM, 27/03/2013
(Chinhphu.vn) - Tính đến hết tháng 2/2013, Việt Nam đã thu hút được 14.550 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngày 27/3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong Báo cáo Tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam (kể từ năm 1987), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết khu vực kinh tế FDI ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tỷ trọng đóng góp vào GDP tăng dần theo từng năm và đã đạt khoảng 19% vào năm 2011, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế (hiện chiếm 25% tổng vốn đầu tư xã hội); làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu (chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012); đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách (14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2001 - 2010, riêng năm 2012 đóng góp khoảng 3,7 tỷ USD).

Đầu tư nước ngoài đã có tác động tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành trong nền kinh tế cũng như cơ cấu nội bộ từng ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tốc độ tăng trưởng của khu vực đầu tư nước ngoài bình quân đạt 18% năm, cao hơn tốc độ tăng chung toàn ngành. Trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp, đầu tư nước ngoài đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu… Trong dịch vụ, đầu tư nước ngoài đã tạo nên một số ngành dịch vụ chất lượng cao như viễn thông, du lịch quốc tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán,…

Đầu tư nước ngoài góp phần tạo việc làm (hiện nay khu vực đầu tư nước ngoài tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3 - 4 triệu lao động gián tiếp), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động, góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý; thúc đẩy quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước; đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê

Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực FDI còn có những hạn chế, tồn tại như hiệu quả tổng thể nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam và khả năng tham gia chuỗi giá trị thấp, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, đối tác còn hạn chế; mục tiêu thu hút công nghệ, chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu; hiệu ứng lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế; một số dự án chất lượng chưa cao, quy mô dự án nhỏ, tỷ lệ giải ngân thấp so với yêu cầu…

Hỗ trợ FDI tại chỗ là xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thực tiễn kết quả 25 năm thu hút FDI cho thấy trước hết cần thống nhất từ nhận thức đến hành động ở các cấp về vị trí và vai trò của đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế.

Thông qua đó, việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI đang hoạt động tại Việt Nam là phương thức có hiệu quả nhất trong việc xúc tiến đầu tư.

Đồng thời cần xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích liên quan đến đầu tư nước ngoài, gồm lợi ích của quốc gia, lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của người lao động và lợi ích của cộng đồng dân cư; thường xuyên cải thiện môi trường đầu tư nhằm bảo đảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong những bài học kinh nghiệm về thu hút FDI thời gian qua, Thứ trưởng Đào Quang Thu cũng nhấn mạnh đến việc chú trọng nâng cao năng lực phản ứng chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; hướng tới phát triển bền vững phải trở thành xu thế chủ đạo trong hoạt động đầu tư nước ngoài.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc

Tin liên quan:

Hội nghị toàn quốc tổng kết 25 năm thu hút vốn FDI

KCN, KCX 'chuyển mình' đón làn sóng FDI mới

Để tiếp tục giữ lợi thế thu hút FDI
 
Rất cần nâng chất lượng, hiệu quả đầu tư FDI
 
Bắc Ninh: 7 giải pháp tăng hiệu quả thu hút FDI

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

quốc tế thêm lo ngại tình hình triều tiên

10:30 AM, 03/04/2013
(Chinhphu.vn) - Phát biểu họp báo tại Công quốc Andora, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki -moon cho rằng tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đã đi quá xa và kêu gọi các bên kiềm chế.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh đàm phán và đối thoại là con đường duy nhất hiện nay mà các bên cần hướng tới, đồng thời khẳng định 'không nước nào có ý định tấn công Triều Tiên vì những bất đồng về hệ thống chính trị hay chính sách ngoại giao'.

Trong khi đó, các nước tiếp tục bày tỏ quan ngại trước việc Triều Tiên có kế hoạch tái khởi động cơ sở hạt nhân Yongbyon bị đóng cửa từ năm 2007, bao gồm một nhà máy làm giàu uranium và một lò phản ứng 5 MW có thể sản xuất plutonium để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai- young bày tỏ 'thực sự lấy làm tiếc' trước quyết định tái khởi động cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên đồng thời hối thúc Triều Tiên tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận đã đạt được trước đây nhằm duy trì tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Trong diễn biến liên quan, ngày 2/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết nước này đã nhận được thông tin về tuyên bố của Triều Tiên và rất lấy làm tiếc... Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan bình tĩnh và hết sức kiềm chế. Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên hiện rất phức tạp và nhạy cảm. Lập trường kiên định của phía Trung Quốc là nhằm thực hiện phi hạt nhân hóa, bảo vệ hòa bình và ổn định trên bán đảo này cũng như khu vực Đông Bắc Á.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định Nhật Bản quan ngại sâu sắc trước tuyên bố tái khởi động cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên.

Mai Linh

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

không gây quá tải ôn thi tốt nghiệp thpt

11:03 AM, 03/04/2013
(Chinhphu.vn) – Trong  hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2013,  Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường THPT và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.

Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định.

Các trường THPT thực hiện các giải pháp hiệu quả tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013.

Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh học tập ở các mức độ nhận thức thông hiểu và vận dụng kiến thức.

Các trường cũng cần hướng dẫn học sinh vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung của môn học; kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh với kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra của giáo viên bộ môn; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời.

Giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức; chọn, cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập, ôn tập nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi. Đối với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013 được tổ chức vào các ngày 02, 03 và 04/6/2013 với 6 môn thi bắt buộc.

Đối với Giáo dục trung học phổ thông thi 6 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Hoá học, Sinh học, Địa lí; trong đó, các môn: Ngoại ngữ, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm.

Với môn Ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật; thí sinh không theo học hết chương trình trung học phổ thông hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy-học thì được thi thay thế bằng môn Vật lí (thi theo hình thức trắc nghiệm).

Đối với Giáo dục thường xuyên, thi 6 môn: Ngữ văn, Toán, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Vật lí; trong đó, các môn: Hoá học, Sinh học, Vật lí thi theo hình thức trắc nghiệm.

 Thùy Trang

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

giảm giá tham chiếu trong phiên đấu thầu vàng miếng thứ hai

2:51 PM, 03/04/2013
(Chinhphu.vn) - Ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết phiên đấu thầu bán vàng miếng thứ hai vào 8 giờ 30 phút sáng ngày 4/4, tại  Sở Giao dịch - Ngân hàng Nhà nước. Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 26.000 lượng; giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc: 43,61 triệu đồng/lượng

Ảnh minh hoạ

Các thành viên tham gia phiên đấu thầu được phép đặt thầu tối thiểu 5 lô (mỗi lô là 100 lượng; bước giá đặt thầu là 10.000 đồng/lượng; bước khối lượng đặt thầu là 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá trong phạm vi giá trần và giá sàn.

Trước đó, ngày 28/3, phiên đấu thầu 26.000 lượng vàng miếng đầu tiên do NHNN tổ chức đã được thực hiện thông suốt với sự tham dự của 17 đơn vị. Ngân hàng ACB và Công ty Vàng bạc Phú Quý là 2 đơn vị duy nhất đăng ký mua và đều trúng thầu tại giá sàn (43,81 triệu đồng/lượng), mỗi đơn vị 1.000 lượng.

Mặc dù khối lượng vàng miếng trúng thầu thấp song đây là tín hiệu về việc thực hiện tăng cung vàng miếng trên thị trường và tham gia thị trường với tư cách người mua bán cuối cùng, qua đó, tham gia bình ổn thị trường vàng.

Giá vàng giảm mạnh

Sáng nay 3/4, giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh. Giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết giao dịch của Công ty SJC Hà Nội ở mức 43,59 triệu đồng/lượng (mua vào) - 43,67 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tương đương mỗi chiều 250.000 đồng/lượng và 210.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua (2/4).

Giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty cổ phần đầu tư Vàng Phú Quý giảm 310.000 đồng/lượng và 260.000 đồng/lượng mỗi chiều, xuống mức 43,53 triệu đồng/lượng - 43,63 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở mức 43,6 triệu đồng/lượng - 43,68 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 230.000 đồng/lượng và 210.000 đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng vừa có phiên giảm mạnh nhất hơn 1 tháng với mức giảm 1,5%, khi những dấu hiệu lạc quan của kinh tế Mỹ đẩy chứng khoán Mỹ lên kỷ lục.

Cụ thể, lúc 9h sáng 3/4, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á qua trang Kitco.com có biên độ giảm 11 USD/ounce, xuống mức 1.565 USD/ounce. Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 6 chốt phiên hôm qua 2/4 giảm 24,9 USD, tương đương 1,5%, xuống còn 1.575,1 USD/ounce. Lượng giao dịch thấp hơn 25% so với trung bình 30 ngày.

Minh Khôi

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

vinacomin thành lập hội đồng đền bù dự án cảng kê gà

2:11 PM, 03/04/2013
(Chinhphu.vn) – Ngày 3/4, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thông báo đã thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại liên quan đến việc dừng dự án cảng Kê Gà.

Đây là nội dung Vinacomin thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 1434/VPCP- KTN ngày 21/2/2013 về thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các tổ chức, các hộ gia đình và cá nhân có đất liên quan đến việc dừng đầu tư cảng Kê Gà.

Cũng liên quan tới vấn đề này, tỉnh Bình Thuận cũng đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường để giải quyết các tồn tại liên quan đến Dự án cảng Kê Gà. Hội đồng này có trách nhiệm lập phương án xử lý, trình các cấp có thẩm quyền làm cơ sở triển khai thực hiện.

Trước đó, trung tuần tháng 3, UBND tỉnh Bình Thuận và Vinacomin đã họp để thống nhất xử lý những tồn tại sau khi dừng Dự án cảng Kê Gà.

UBND tỉnh Bình Phước đã giao Sở kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND xã Tân Thành và Vinacomin mời các nhà đầu tư, tổ chức, các hộ gia đình và cá nhân có đất bị thu hồi để thông báo chính thức việc dừng đầu tư cảng Kê Gà và đưa ra hướng xử lý, đồng thời nghe ý kiến của các bên liên quan.

Về định hướng bồi thường, theo thông báo của UBND tỉnh Bình Thuận, đối với các dự án thiệt hại về cơ sở vật chất và công trình xây dựng đã đầu tư, qua kiểm tra, xác định nếu tài sản hư hỏng xuống cấp có giá trị sử dụng còn lại dưới 30% thì bồi thường 100% giá trị, những trường hợp khác giao cho Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường xem xét và đề xuất cụ thể.

Đối với cây trồng đã chết thì bồi thường 100%, những cây còn sống nhưng bị ảnh hưởng thì Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường xem xét và đề xuất cụ thể. Đối với các chi phí khác có liên quan, căn cứ vào đề xuất của nhà đầu tư (tự kê khai) và xác định lại của Hội đồng.

Sau đó, Hội đồng tổng hợp trình UBND tỉnh và chuyển cho Vinacomin xem xét thống nhất và có văn bản xin ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo triển khai thực hiện.

Đối với các dự án đã đi vào hoạt động hoặc đang xây dựng thì Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường xem xét đề xuất hỗ trợ, đền bù thiệt hại.

Hướng xử lý đối với các dự án đã có quyết định thu hồi đất, nhưng nếu các nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục triển khai, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Với các dự án chưa triển khai nhưng nhà đầu tư không có nhu cầu tiếp tục triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các cơ quan chức năng đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Theo quyết định phê duyệt Dự án cảng Kê Gà năm 2010, tổng giá trị đền bù giải phóng mặt bằng là 150 tỷ đồng. Đến trước thời điểm dừng Dự án, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành kiểm đếm 11/12 dự án du lịch và tỉnh Bình Thuận đã có quyết định bồi thường cho 4 đơn vị du lịch với tổng số tiền 4,6 tỷ đồng và xem xét 3,8 tỷ đồng.

Đối với 8 doanh nghiệp còn lại theo kết quả kiểm kê của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận, giá trị đền bù tạm áp giá là 32,2 tỷ đồng. Như vậy, giá trị đền bù giải phóng mặt bằng theo số tạm tính của tỉnh Bình Thuận cho 12 doanh nghiệp du lịch là 40,7 tỷ đồng. Còn đối với 42 hộ dân, công tác đền bù mới dừng lại ở khâu kiểm đếm.

Hội đồng đền bù của tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục triển khai các phần việc như đánh giá các công trình đã xây dựng bị ảnh hưởng, kiểm đếm lại thiệt hại của các tổ chức, cá nhân sau khi dừng Dự án, cũng như làm việc với các nhà đầu tư, cá nhân để đi đến thống nhất mức đền bù trong thời gian sớm nhất.

Linh Đan

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn